Sau giờ học, sẽ có nhiều hoạt động vui chơi và rèn luyện kĩ năng để cải thiện năng khiếu và sự sáng tạo cho trẻ. Một trong những hình thức được nhiều ba mẹ lựa chọn là cho trẻ học một loại nhạc cụ. Học chơi nhạc cụ sẽ giúp bé phát triển toàn diện cả về thể lực, tình cảm và trí thông minh. Bên cạnh đó, việc học một loại nhạc cụ nào đó sẽ tạo cho bé những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những lợi ích của việc học nhạc cụ và lưu ý để cho bé học hiệu quả nhất.
Nên cho bé học nhạc cụ khi nào?
Việc cho trẻ tiếp xúc với nhạc cụ càng sớm càng tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ bắt con đi học mà không cần quan tâm đến con có thích và có hiểu được hay không.
Trước tiên bạn cần xác định xem con mình thích chơi nhạc cụ nào. Điều này bạn có thể đến các trường dạy nhạc. Cho con xem nhạc cụ hoặc thử ngồi vào chơi xem con có cảm tình với loại nào nhất. Việc học là của con. Dù có muốn tốt cho con thì bạn cũng không nên ép con đi học. Đừng để việc học đàn trở thành nổi ám ảnh trong tâm lý của trẻ. Nếu bé không thích, bạn có thể chuyển sang cho bé học một môn năng khiếu khác như bơi lội, nhảy, võ thuật,…
Thường thì khoảng 3 tuổi bé đã có thể học nhạc cụ. Nhưng không hẳn là cứ 3 tuổi là sẽ học được. Một số bé còn quá nhút nhát thì bạn nên để cho bé lớn thêm chút nữa rồi học cũng không muộn. Bé chỉ có thể học tốt khi có thể hát được một số bài hát. Và đặc biệt là có thể đếm được ít nhất từ 1 đến 10. Tốt hơn nữa là bé có thể nhận dạng được mặt chữ theo bảng chữ cái. Đừng bắt bé học quá sớm khi khả năng tiếp thu của bé không có. Việc này sẽ làm cho bé thấy chán và nguy hiểm hơn nữa là bé sẽ thấy sợ.
Những lợi ích khi cho bé học nhạc cụ
Nâng cao kỹ năng tiếp thu kiến thức
Khi bắt đầu chơi nhạc cụ, bé cần biết hiểu về âm điệu, giai điệu, thang âm. Bé sẽ được học cách cảm thụ sự khác biệt giữa các giai điệu và thang âm đó. Âm nhạc có thể mở rộng trí não của trẻ, giúp trẻ hiểu hơn các lĩnh vực toán học. Ngoài ra, các lớp học nhạc còn hướng dẫn trẻ những kiến thức vật lý cơ bản như sự hòa âm và dao động.
Rèn luyện thể lực
Những nhạc cụ cụ thể có những cách chơi và điều khiển riêng. Lợi ích khi cho bé học một loại nhạc cụ thể hiện qua việc trẻ phát triển kỹ năng phối hợp và vận động. Vì các loại nhạc cụ khác nhau đòi hỏi những tư thế khác nhau. Điều đó thông qua những cử động nhịp nhàng của bàn tay, cánh tay và bàn chân. Nhạc cụ có dây hoặc bàn phím, như đàn piano và violin đòi hỏi những cử động cùng lúc từ tay trái và tay phải. Điều đó cũng giống như hành động một tay vẽ hình tròn, một bên vẽ hình vuông vậy. Khi sử dụng quen thuộc những loại nhạc cụ như vậy, trẻ sẽ biết tư thế để giúp cho mình thoải mái, mà vẫn giữ được sự tự nhiên.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ ở các bộ phận khác nhau có thể giúp trẻ phát triển những môn giải trí khác như khiêu vũ và chơi thể thao.
Gia tăng khả năng kết nối xã hội
Những giờ học nhóm đòi hỏi trẻ phải tương tác và giao tiếp với các bạn. Khi đó sẽ khuyến khích kỹ năng làm việc nhóm của trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ cần phối hợp với các bạn trong lớp để cùng chơi một bản nhạc. Nếu trẻ chơi một bản nhạc quá lớn tiếng hoặc quá nhanh, bé cần biết cách điều chỉnh. Điều quan trọng là bé nhận thức được vai trò của mình – một cá thể nhỏ trong tập thể lớn.
Rèn luyện sự kiên nhẫn
Để có thể học một loại nhạc cụ nhuần nhuyễn, ngoài luyện tập loại nhạc cụ đó mỗi ngày, trẻ cần có sự kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn giúp trẻ có động lực học tập và rèn luyện lâu dài. Thay vì cảm thấy chán nản và bỏ ngang thì trẻ cần nhẫn nại với việc học. Trẻ cần phải bền bỉ rèn luyện qua mỗi giờ, mỗi tháng, có thể là cả nhiều năm. Nếu trẻ thực sự kiên trì, trẻ sẽ hoàn thành mục tiêu với loại nhạc cụ mình đã chọn chơi.
Tính kỷ luật là một đức tính có thể nâng cao thông qua rèn luyện chơi nhạc cụ hoặc bất cứ một môn thể thao hay môn học nào. Việc đến lớp học và tham gia cùng các bạn, các bé cũng cần thực hiện theo đúng kỷ luật. Ví dụ như tôn trọng các bạn, chăm chú nghe lời thầy cô giảng và biết chờ đợi đến lượt mình (khi thầy cô chỉ định biểu diễn trước cả lớp, hoặc để được thầy cô sửa lỗi sai).
Mở rộng vốn hiểu biết
Trẻ có thể khám phá ra vai trò của âm nhạc trong các nền văn hóa khác nhau. Điều này được thông qua việc học và chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Tùy vào từng loại nhạc cụ khác nhau, trẻ có thể hiểu về văn hóa của từng quốc gia hay khu vực khác nhau. Ví dụ, khi học cách chơi violin hay piano, trẻ hiểu về phong cách âm nhạc được biểu diễn theo ban nhạc, dàn nhạc, theo phong cách nhạc cổ điển hoặc nhạc jazz.
Việc cho trẻ tiếp xúc và hiểu về các nền văn hóa khác nhau từ lúc còn bé sẽ giúp nuôi dưỡng tinh thần và trí tuệ của trẻ, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về những truyền thống, phong tục của nhiều vùng miền trên thế giới.