Trong giai đoạn phát triển của trẻ, biết nói là một cột mốc mà bất kì cha mẹ nào cũng muốn ghi nhớ. Từ những âm bập bẹ lúc bắt đầu thành từng từ, từng câu là một quá trình mà cha mẹ có thể đồng hành và hỗ trợ trẻ. Giai đoạn tập nói thông thường bắt đầu từ khi bé được 15 tháng tuổi, tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bé chỉ nói những câu cụt lủn mặc dù đã có thể nói được cả câu dài. Và khi đó vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách để giúp bé tập nói hoàn chỉnh qua bài viết sau đây nhé.
Vì sao bé thường nói những câu cụt lủn?
Khi bé còn nhỏ, để bé dễ hiểu những câu nói của mình, ba mẹ thường có xu hướng nói những câu ngắn gọn, với những từ chính nhằm giúp bé nhanh chóng hiểu được điều mà người lớn biểu thị. Tuy nhiên điều này lại không có lợi nếu bạn đang tập nói cho bé. Nó không giúp bé phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ ngay từ giai đoạn đầu đời.
Ngoài nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác khá phổ biến đó là do mức độ thấu hiểu của ba mẹ đối với những ý muốn của bé thường rất sâu sắc. Bạn có thể ngầm hiểu mong muốn của bé mà không cần bé phải diễn đạt quá nhiều. Điều đó khiến cho bé trở nên lười hơn. Bé sẽ suy nghĩ rằng không cần diễn đạt một câu đầy đủ mà người lớn vẫn sẽ hiểu được. Bởi vậy, khi tập nói cho bé, bạn có thể giả vờ không “thấu hiểu” cho lắm. Hãy để bé nỗ lực biểu đạt bằng ngôn từ nhiều hơn.
Cha mẹ phải làm gì để tập cho trẻ?
Trở thành tấm gương để trẻ học theo
Trước khi tập luyện cho trẻ kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, bạn cần là tấm gương cho bé thấy sự cần thiết khi phải rèn luyện kỹ năng này và chính cả ba mẹ cũng sử dụng những câu nói đầy đủ, chi tiết. Hãy dùng những câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ để nói với trẻ. Khả năng mô phỏng của bé phát triển rất tốt. Một khi bé nhận thấy ba mẹ nói với mình theo những câu có cấu trúc như thế nào thì sẽ tổ chức câu nói của mình theo cách ấy.
Dành thời gian đọc truyện cho trẻ
Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết có nhiều nét khác biệt. Dù bạn đang muốn tập cho bé nói theo những khẩu ngữ hằng ngày, sẽ tốt hơn nếu bạn cho dần trẻ làm quen với các cách nói khác, đặc biệt là cách hành văn trong các cuốn sách. Có rất nhiều loại truyện thiếu nhi mà bạn có thể đọc cho bé nghe trước giờ đi ngủ hoặc giờ vui chơi của mẹ và bé.
Đây còn là cách để tạo sợi dây tình cảm gắn bó giữa bé và ba mẹ. Việc bạn cố gắng thời gian bên cạnh con luôn là một điều đáng quý. Phần thưởng đổi lại cho bạn là một em bé thông minh và thương yêu mẹ vông cùng.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ
Luyện tập giúp kỹ năng hoàn thiện. Bạn càng luyện cho bé nói nhiều, bé càng cơ hội cải thiện khả năng diễn đạt của mình. Cách này giúp bé tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ của người lớn và tập phản xạ lại.
Mỗi khi bạn nghe trẻ nói những câu nói ngắn gọn kì cục, đừng nhắm mắt cho qua. Hãy sửa lại câu nói của trẻ và khuyến khích bé nhắc lại. Bạn sẽ giúp bé “có đất dụng võ” cho những từ bé có thể hiểu, nhưng lại chưa có cơ hội sử dụng cho người khác
Bạn cần làm gì nếu trẻ chậm nói?
Bố mẹ chính là những người đầu tiên giúp con phát triển ngôn ngữ. Nếu bé có bất kỳ biểu hiện gì khiến bạn lo lắng và phân vân, ví dụ như đến tuổi nhưng bé vẫn chưa chịu nói chuyện, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia. Con bạn cần được kiểm tra về khả năng nghe nói, đánh giá về khả năng ngôn ngữ. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường, các bác sĩ sẽ đề ra giải pháp can thiệp sớm.
Sau khi bé biết nói, bạn cần làm gì tiếp theo?
Khi bé lớn hơn, con như là một chú chim liến thoắng suốt cả ngày khiến bạn chỉ mong đợi những khoảnh khắc yên tĩnh như xưa. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy vui vẻ và hạnh phúc khi nghe bé kể cho bạn về những điều xảy ra ở trường, suy nghĩ về những con vật xung quanh hay cách bé mô tả những món ăn ưa thích.
Khi được 4 tuổi, bé sẽ nói những câu có 5 hoặc 6 từ. Bé bắt đầu hiểu và sử dụng một số văn phạm cơ bản cũng như kể chuyện và nói chuyện với cả người quen lẫn những người lạ. Bé cũng sẽ biết tên họ mình và có vô vàn thắc mắc, những câu hỏi tại sao.
Dạy bé tập nói là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của con. Bố mẹ nên khuyến khích bé tập nói và học nhiều từ vựng hơn nữa nhé! Việc dạy trẻ tập nói tốn rất nhiều thời gian. Do đó, bố mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con để con có thể biết thêm nhiều từ vựng cũng như hoàn thiện hơn về kỹ năng giao tiếp của mình nhé!