Nỗi sợ hãi là điều mà ai cũng gặp phải dù ở bất kì giai đoạn nào trong cuộc đời. Với những đứa trẻ, nỗi sợ hãi càng phổ biến hơn vì cảm xúc của các bé hiện tại còn khá non nớt. Mỗi độ tuổi bé sẽ sợ những điều khác nhau, và điều này là hoàn toàn bình thường. Để biết được cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi thì điều đầu tiên cha mẹ cần làm là hiểu rõ những gì bé sợ và lí do vì sao bé sợ chúng. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của chúng tôi để học cách dạy bé vượt qua nỗi sợ hãi nhé.
Nỗi sợ hãi của bé theo từng độ tuổi
Trẻ sơ sinh (8-12 tháng tuổi)
Ở độ tuổi này, bé đã biết phân biệt giữa các tình huống bé biết hoặc không biết. Cảm giác lo lắng khi ba mẹ đi khỏi phòng, hoặc khi chỉ nằm một mình. Nỗi sợ này đạt đỉnh điểm khi trẻ được 8-9 tháng tuổi. Sự xuất hiện của những người lạ có thể làm bé sợ trong suốt 2 năm đầu tiên. Điều bất ngờ hay đột ngột đôi khi cũng làm trẻ sợ hãi.
Trẻ biết đi và trẻ mẫu giáo
Trẻ ở lứa tuổi này có trí tưởng tượng rất phong phú và sinh động. Thật sự là khó khăn khi bắt bé tìm điểm khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng.
Đến năm 3 tuổi, bé sẽ bớt bám víu ba mẹ. Nếu trẻ vẫn không thể tách rời và luôn lo lắng khi ở xa ba mẹ lúc này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về tâm lý của trẻ.
Trẻ hay tưởng tượng những nhân vật đáng sợ, đeo mặt nạ dữ tợn. Nỗi sợ này thường xuất hiện khi trẻ đi ngủ, đến bác sĩ. Trẻ đôi khi cũng khó chịu và hoảng loạn khi nghe thấy những tiếng ồn lớn. Ba mẹ không nên trêu chọc con vì những điều này.
Trẻ cũng là nhà tư tưởng rất cụ thể. Vì vậy khi ba mẹ kể chuyện gì, trẻ đều tin đó là sự thật. Vì vậy, ba mẹ nhớ cẩn trọng với lời nói của mình tránh làm trẻ bị ảnh hưởng.
Bé thường xuyên thức giấc nửa đêm vì gặp ác mộng. Đừng quên trấn an bé giấc mơ không có thật và vỗ về bé ngủ trở lại. Bé sẽ hoàn toàn quên điều này sau khi ngủ dậy.
Trẻ 5 tuổi trở lên
Những lo sợ của trẻ 5 tuổi thực tế hơn, đó có thể là cháy, bão, hoặc bị thương. Tuy nhiên, khi trẻ đến trường và được dạy nhiều thứ, trẻ sẽ “phóng thích” bớt những nỗi sợ này vì đã hiểu cách đối phó. Trẻ lớn hơn thường lo lắng khi thấy ba mẹ cãi nhau, ốm đau.
Phương tiện truyền thông cũng truyền cho trẻ nhiều nỗi sợ từ phim ảnh, trò chơi điện tử, video âm nhạc, thậm chí là những tin phát sóng trên truyền hình.
Trẻ có thể diễn đạt nỗi sợ của mình bằng cách: cắn móng tay, run rẩy, mút ngón tay cái hoặc “són” ra ít nước tiểu. Bé sẽ không tâm sự với ba mẹ nỗi sợ của mình, thay vào đó ba mẹ nên quan sát bé.
Phải làm gì để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi
Những nỗi sợ hãi là một phần bình thường của cuộc sống và thường là cách trẻ phản ứng lại với mối đe dọa thực sự hay ít nhất là có thật trong nhận thức của trẻ, ba mẹ nên yên tâm và hỗ trợ con. Dành thời gian gần gũi bên con là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi đó là khoảng thời gian chúng ta lắng nghe con trẻ, thấu hiểu tâm tư, để con có thể chia sẻ về nỗi sợ hãi mà mình đang gặp phải.
Không bắt ép trẻ đối diện với sự sợ hãi khi trẻ chưa sẵn sàng.
Để bé làm quen với tình huống khiến trẻ lo lắng chậm rãi và từ từ. Nên khen ngợi trẻ khi bé có thể làm những việc bé từng sợ.
Tôn trọng cảm giác sợ hãi của bé, nhất định không đem nó ra dọa nạt hay trêu đùa.
Lường trước những điều làm bé sợ có thể xảy ra và giúp bé chuẩn bị.
Nên kể cho bé câu chuyện để chứng tỏ nỗi sợ của bé không có gì là to tát và có thể vượt qua được.
Giúp bé cảm thấy an toàn hơn bằng cách nắm chặt tay bé, ôm bé vào lòng. Hãy làm mọi thứ miễn là cho bé cảm giác gần gũi.
Cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, sự giật mình hay hoảng loạn của ba mẹ có thể tác động trực tiếp đến trẻ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với truyền hình, phim ảnh, trò chơi bạo lực.
Đặc biệt lưu tâm nếu trẻ bị ám ảnh
Ám ảnh khác với nỗi sợ hãi. Trẻ mới biết đi có thể bị ám ảnh nếu từng trải qua sự kiện như bị nghẹn hoặc gần như bị ngạt thở. Nếu bé luôn sợ những điều tương tự và không có dấu hiệu giảm bớt, thường xuyên túc trực trong suy nghĩ của bé, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ.
Ngoài ra, nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu nỗi sợ của bé ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động thường ngày hoặc bé dành hầu hết thời gian trong ngày để lo sợ.
Hi vọng những thông tin đưa ra trên đây có thể phần nào giúp ích cho ba mẹ trong việc nuôi dạy những em bé hạnh phúc mà một trong số đó là sự dũng cảm và tự kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Dù có những khó khăn nhưng chắc hẳn những sự thay đổi tích cực ở con có thể khiến bạn cảm thấy mình kiên trì hơn bao giờ hết.