Một trong những phương pháp dạy con hữu ích đó là chia sẻ các công việc nhà với bé. Khi bạn chia sẻ một phần việc nhà với trẻ, trẻ sẽ hiểu được trách nhiệm và vai trò của mình trong gia đình. Bất kì đứa trẻ nào khi thấy mình được đóng góp và giúp đỡ gia đình đều sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Vậy làm thế nào để trẻ tập quen với những công việc nhà phù hợp với sức của trẻ? Hãy để chúng tôi giúp bạn giải quyết thắc mắc đó qua bài viết dưới đây nhé.
Cần làm gì để con bước đầu làm quen với công việc nhà
Đừng quá cầu toàn
Bạn không thể đòi hỏi bé hoàn thành công việc một cách hoàn hảo như người chúng ta làm. Chúng ta cần có cái nhìn thoáng hơn về mức độ bé hoàn thành công việc. Ban đầu, bạn chắc chắn cần hướng dẫn cho bé cặn kẽ và theo dõi kết quả sau khi bé hoàn thành. Bạn cần ghi nhớ phải thật kiên nhẫn và bình tĩnh. Dù đôi lúc mọi việc sẽ không luôn diễn ra tốt đẹp, bạn không nên can thiệp và làm luôn công việc của bé. Bởi vì, mục đích chính của chúng ta khi muốn bé cùng tham gia vào công việc nhà là để tạo cho bé tinh thần trách nhiệm cho bản thân và gia đình.
Đừng trì hoãn
Bạn cho rằng con còn quá nhỏ để làm những công việc nhà. Nhưng trên thực tế, các con phát triển và có khả năng nhiều hơn bạn tưởng. Có rất nhiều những công việc lặt vặt mà bé có thể làm được ở giai đoạn đầu. Miễn bạn biết cách chọn lựa những công việc phù hợp cho bé. Việc bạn trì hoãn điều này, vì ý nghĩ đợi đến khi con mình thực sự sẵn sàng sẽ khiến bạn bỏ mất khoảng thời gian lý tưởng giúp bé nâng cao nhận thức về bản thân.
Đừng keo kiệt khi dành tặng những lời khen
Hãy tặng bé những lời khen ngay khi chúng đang làm việc. Bạn không cần đợi đến khi mọi việc đã hoàn tất. Những đứa trẻ rất yêu thích những câu nói ngọt ngào và lời tán thưởng, đó có thể là động lực để bé làm tốt việc của mình hơn.
Đừng hành động mâu thuẫn
Giáo dục nhận thức là một công việc cần thực hiện thường xuyên và dài hạn. Bạn sẽ không thể tạo cho bé tinh thần trách nhiệm nếu chỉ để bé làm việc nhà 1, 2 lần. Nếu bé không cảm thấy rằng mẹ mong muốn thực hiện những công việc này thường xuyên, bé sẽ có xu hướng không làm việc nhà nữa với hy vọng là người khác sẽ làm chúng.
Phương pháp cho bé tập làm công việc nhà
Hãy cho bé lựa chọn một số công việc chúng muốn làm nhất, và tạo một danh sách những việc mà cả gia đình cần thực hiện trong gia đình.
Đầu tiên, sắp xếp và phân công công việc phù hợp với độ tuổi và thời gian của mỗi thành viên trong gia đình.
Sau đó, chia bảng công việc thành các cột, gồm: Công việc, thành viên phụ trách, ngày hoàn thành, và kiểm tra hoàn thành. Bạn có thể trang trí bảng công việc gia đình thật sinh động với các mẫu giấy màu và bút dạ.
Dán bảng công việc gia đình tại nơi mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy và theo dõi, như dán ở cửa tủ lạnh.
Sau đây là một số mẹo giúp bé dễ dàng theo dõi công việc hơn:
Hướng dẫn cụ thể: thay vì chỉ liệt kê các công việc chung chung và mơ hồ, bạn nên đưa ra những công việc cụ thể. Thay vì “dọn phòng ngủ” bạn nên ghi đầy đủ các công việc như “xếp quần áo vào tủ, đặt sách lên kệ, đặt đồ chơi đúng vị trí”…
Trước tiên, bạn nên chỉ cho bé cách thực hiện công việc từng bước một. Sau đó, hãy để bé làm việc đó dưới sự theo dõi của bạn. Khi bé có thể làm tốt các bước, bé có thể tự làm công việc một mình.
Tiền thưởng có phù hợp khi bé hoàn thành công việc nhà không?
Đây là câu hỏi nhiều bậc cha mẹ hay thắc mắc khi bắt đầu tìm hiểu về cách dạy con ngoan. Hầu hết các chuyên gia về nuôi dạy con cái đều cho rằng thường thì chúng ta không nên thưởng cho bé sau mỗi lần bé làm xong việc nhà. Làm những việc vặt trong nhà cũng là một phần trách nhiệm và phần nào giúp bé học cách làm những công việc đơn giản. Mục đích không chú trọng vào tiền. Vì đối với những bé còn quá nhỏ, các bé sẽ không có hứng thú với tiền bạc. Chúng sẽ từ chối phần thưởng này và cả công việc bạn giao cho.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với những trẻ lớn hơn (trên 5 tuổi) đã nhận thức được trách nhiệm, tiền thưởng có thể là một động lực lớn cho những việc thêm khác, hơn cả những việc bé cần lần hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể đề nghị tặng thưởng cho bé, khi bé hoàn thành thêm các công việc khác.
Gợi ý một số việc nhà theo từng độ tuổi
Trẻ từ 2 – 3 tuổi
Xếp đồ chơi vào giỏ đồ chơi
Thêm đồ ăn vào đĩa thức ăn của chó/mèo
Bỏ quần áo vào giỏ
Lau bàn hoặc lau các vết nước bị tràn
Xếp sách, báo thành chồng
Trẻ từ 4 – 5 tuổi
Dọn giường ngủ
Đổ rác
Lấy báo hoặc thư
Lau bàn
Tưới hoa
Rửa ly, chén (không dính dầu mỡ)
Trẻ từ 6 – 7 tuổi
Quét nhà
Chuẩn bị chén đũa cho bữa ăn, dọn bàn sau khi ăn xong
Dọn phòng ngủ
Cùng bố mẹ làm vườn, dọn cỏ vườn
Trẻ từ 8 – 9 tuổi
Hút bụi
Cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn, sử dụng dao và gọt vỏ trái cây
Rửa chén
Tự chuẩn bị bữa ăn sáng, như bánh mì sandwich, ngũ cốc…
Bỏ quần áo bẩn vào giỏ
Dắt thú cưng đi dạo
Tự chuẩn bị các bữa ăn vặt
Hãy làm việc nhà cùng nhau
Hãy giao việc nhà cho tất cả các thành viên trong gia đình, giảm bớt sự phản kháng bằng cách nói rõ với tất cả rằng: “Mọi người đều phải tham gia làm việc nhà”. Như thế, trẻ thấy rằng những người khác đều làm việc nhà thì mình cũng phải làm. Thêm vào đó, để trẻ cùng làm việc nhà với các thành viên gia đình sẽ khiến trẻ thấy việc nhà vui hơn rất nhiều.
Trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm thân thiết khi làm việc cùng bố mẹ hay anh chị. Đây là cơ hội tuyệt vời để hỏi han về một ngày của trẻ, nghe những tâm tư của trẻ hoặc bạn kể cho trẻ câu chuyện, chủ đề nào đó khiến chúng mê mẩn. Hãy nhớ rằng, trẻ coi trọng những điều bạn nói với chúng và chúng sẽ luôn nhớ mãi. Chẳng hạn như mẹ đã từng kể cho trẻ nghe về những điều mẹ đã làm ở công ty khi cùng nhau dọn dẹp phòng khách hoặc rửa bát.
Bạn có thể bật nhạc trong khi làm việc nhà. Mọi người vừa làm việc vừa hát vui vẻ để trẻ thêm hứng thú làm việc chứ không phải bị bắt buộc. Việc giặt là có thể kết hợp thêm những trò chơi như phân loại, ném tất, quần áo vào giỏ. Hoặc nếu bạn cần giúp làm bữa tối, hãy để trẻ làm bếp trưởng và quyết định thực đơn có những món gì, còn những người khác thì sẽ giúp đỡ làm bữa tối.